Lãnh đạo cần làm gì để Tổ chức Thích ứng hiệu quả trong Kỷ nguyên Thuế mới tại Việt Nam?

Bối cảnh thuế tại Việt Nam đã và đang trải qua những thay đổi đáng kể. Trong thời gian vừa qua, một loạt các quy định mới đã được ban hành, định hình lại các yêu cầu tuân thủ và tác động đến hoạt động kinh doanh trên nhiều lĩnh vực.

Sự thay đổi về chính sách thuế Việt Nam tác động đến vận hành doanh nghiệp

Hệ thống thuế của Việt Nam đang trải qua một cuộc cải tổ sâu rộng nhằm đáp ứng đồng thời hai nhiệm vụ: đáp ứng cho các mục tiêu phát triển quốc gia và thỏa mãn các yêu cầu giám sát quốc tế ngày càng gia tăng. Trong nước, chính phủ đối mặt với nhu cầu cấp bách về đầu tư hạ tầng, phúc lợi xã hội và chuyển đổi số. Trên trường quốc tế, Việt Nam cần cam kết tuân thủ thuế để duy trì sức hút đối với các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt theo các khuôn khổ như sáng kiến BEPS (Chống Xói mòn Cơ sở Thuế và Chuyển dịch Lợi nhuận) của OECD và GMT (Thuế Tối thiểu Toàn cầu).

Một loạt quy định thuế mới đã được ban hành, định hình lại yêu cầu tuân thủ và tác động trực tiếp đến vận hành của doanh nghiệp, điển hình như:

  • Yêu cầu giao dịch không tiền mặt: từ 01/7/2025, giao dịch trên 5 triệu đồng phải chuyển khoản mới được khấu trừ thuế GTGT, nhằm thúc đẩy minh bạch và hạn chế tình trạng trốn thuế bằng giao dịch tiền mặt. Điều này buộc doanh nghiệp phải rà soát và điều chỉnh quy trình mua sắm, trả lương và bán hàng.

  • Thay đổi về hoàn thuế, phân loại hàng xuất khẩu và hóa đơn: Đòi hỏi doanh nghiệp thiết lập lại quy trình nội bộ để đảm bảo tuân thủ và tránh rủi ro pháp lý.

  • Phối hợp dữ liệu toàn cầu: Các tập đoàn đa quốc gia sẽ cần đảm bảo sự nhất quán dữ liệu giữa các công ty con tại Việt Nam và báo cáo thuế ở cấp công ty mẹ.

    ...

Đối với doanh nghiệp, điều này đồng nghĩa với việc chi phí không tuân thủ có thể sẽ gia tăng, nhưng đi kèm là sự minh bạch, nhất quán và khả năng dự báo cao hơn, giúp củng cố niềm tin của nhà đầu tư và các bên liên quan.

Nhà lãnh đạo cần làm gì để tổ chức thích ứng hiệu quả trước những biến động về chính sách thuế và phát triển bền vững trong tương lai?

Bộ phận Tài chính - Kế toán trở thành đối tác chiến lược của các bộ phận khác

Nhiều kế hoạch thuế được thiết kế tốt đã trở nên kém hiệu quả vì cách vận hành thực tế ở các nhà lãnh đạo. Ngày nay, các tập đoàn đang nỗ lực tích hợp các đơn vị chức năng vào trong chiến lược tổng thể của tổ chức. Hoạch định thuế không còn là nhiệm vụ riêng của bộ phận tài chính. Những nhà quản lý và người ra quyết định đầu tư cần hiểu rõ các tác động về thuế. Vì thế, có những CFO đã nhận ra giá trị trong việc nâng cao nhận thức thuế cho những người liên quan đến các quyết định chi tiêu và đầu tư.

Đầu tư vào các chương trình nâng cao năng lực

ky-nang-quan-trong-voi-bo-phan-thue

Những kỹ năng quan trọng nhất mà bộ phận kế toán thuế cần trang bị để sẵn sàng cho tương lai (Nguồn: PwC Global Tax Survey)

Báo cáo từ PwC Global Tax Survey chỉ ra những kỹ năng quan trọng nhất mà bộ phận kế toán thuế cần trang bị như: kiến thức về AI, kiến thức chuyên môn về thuế, phân tích dữ liệu, tư duy chiến lược, kiến thức về ESG, năng lực số, giao tiếp và hợp tác, kiến thức pháp lý.

Trong bối cảnh Việt Nam chuyển đổi số ngành thuế và phối hợp chặt chẽ với các tiêu chuẩn toàn cầu, các doanh nghiệp cần xem việc nâng cao năng lực đội ngũ kế toán thuế và tài chính không chỉ là đầu tư cho tuân thủ, mà là đầu tư cho sự bền vững dài hạn.

Một số hướng đầu tư chiến lược như:

  • Phát triển năng lực lãnh đạo, giao tiếp, hợp tác: Giúp đội ngũ tài chính – kế toán làm việc hiệu quả với các bên liên quan như CNTT, pháp lý, phát triển kinh doanh…

  • Kết hợp công nghệ và phân tích dữ liệu: Trau dồi năng lực khai thác dữ liệu, sử dụng AI trong dự báo và lập kế hoạch thuế.

  • Trang bị hiểu biết ESG và tuân thủ toàn cầu: Chuẩn bị cho các báo cáo và chính sách thuế liên quan đến phát triển bền vững và chuyển đổi xanh.

Để duy trì năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững trong bối cảnh chính sách thuế thay đổi nhanh chóng, các lãnh đạo doanh nghiệp cần nhìn nhận lại vai trò của bộ phận kế toán không chỉ là người "giữ sổ", mà là người "kiến tạo giá trị". Và điều đó bắt đầu bằng việc đầu tư nghiêm túc vào phát triển năng lực cho con người.

Xây dựng văn hoá học tập, hợp tác và minh bạch

Xây dựng văn hóa cho nhóm kế toán thuế nói riêng và toàn tổ chức nói chung là một quá trình cần thời gian để nuôi dưỡng thái độ đúng đắn và cam kết lâu dài cho đội ngũ.

  • Bằng cách ưu tiên học tập liên tục, đội ngũ có thể đón đầu những thay đổi trong quy định và thị trường, mang lại giải pháp đột phá cho khách hàng và duy trì sự nhiệt huyết trong công việc. Trong nền kinh tế tri thức hiện nay, khả năng học hỏi có thể chính là lợi thế cạnh tranh bền vững nhất của doanh nghiệp.

  • Nuôi dưỡng một môi trường hợp tác không chỉ đơn thuần là cung cấp các công cụ phù hợp, mà còn đòi hỏi một sự chuyển đổi văn hóa hướng đến tinh thần làm việc nhóm và hỗ trợ lẫn nhau. Điều này bắt đầu từ việc khuyến khích các thành viên chủ động chia sẻ quan điểm, kinh nghiệm và cùng nhau giải quyết vấn đề thay vì làm việc tách biệt theo chức năng.

  • Minh bạch cũng là một yếu tố không thể thiếu trong việc xây dựng một đội ngũ vững mạnh. Khi thông tin được chia sẻ rõ ràng và nhất quán, mọi thành viên đều hiểu được mục tiêu chung, vai trò của mình và kỳ vọng từ tổ chức. Với một doanh nghiệp đang phát triển, nơi các quy định và yêu cầu tuân thủ thuế có thể ngày càng phức tạp và có nhiều biến động, sự minh bạch trong giao tiếp và chia sẻ thông tin là yếu tố then chốt để giữ được sự linh hoạt và khả năng ứng phó kịp thời.

 

Chuyển đổi số, yêu cầu tuân thủ và áp lực toàn cầu không chỉ là thách thức của riêng bộ phận Kế toán - Tài chính. Đó là bài toán chung của toàn tổ chức, và giải pháp nằm ở việc phát triển một đội ngũ không ngừng "Xây dựng Sức mạnh Nội tại" với tư duy lãnh đạo, tinh thần học tập, khả năng kết nối và truyền cảm hứng cho những người xung quanh.

 

Mọi Cá Nhân, Mọi Tổ Chức đều cần Dale Carnegie ít nhất một lần trong đời,

để tạo nên những biến đổi đột phá cho Bản thân, Đội ngũ và Tổ chức!